-
Cánh Hoa Mùa Loạn
Truyện Dài VH Miền Nam Trước 75
Thanh Thương Hoàng
HOÀNG SƠN xuất bản 1963CHAPTERS 5 VIEWS 1904
Mùa loạn đã gieo tang tóc trên khắp nẻo đường đất nước. Máu xương đã chất ngất lên khắp từng mây. Bao dân lành vô tội thi nhau gạc ngã trước mũi súng ác nghiệt.
Mùa loạn đã cướp đi của chúng ta nhiều rồi : những kinh thành, những sự nghiệp, những người mẹ, những người cha, những ngươi anh, và nhất là những người em ; những người em đầu hãy còn xanh, môi hãy còn thắm, hương đời đang dâng lên cuồn cuộn như sóng đại dương.
Tuy vậy mùa loạn có ác nghiệt tới đâu chăng nữa cũng vẫn không cướp nổi được tình thương của chúng ta. Càng đau khổ bao nhiêu, tình thương của ta càng tăng lên gấp bội. Hình ảnh những người anh vô tội, phải chết đi giữa độ đường hoa đã khắc sâu vào trong lòng tôi để mãi mãi đi vào bất diệt. Do đấy, cuốn "Cánh Hoa Mùa Loạn" được tạo thành (tạo thành giữa lúc bọn thực dân còn thống trị trên đất nước) với hy vọng sẽ nói lên được một trong trăm vạn nỗi niềm tan tác cùa những cánh hoa chẳng may sinh phải mùa loạn. -
Dòng Suối
Tập Truyện
Thanh Thương Hoàng
CHAPTERS 19 VIEWS 42162
Ông nhà báo già khi tù cải tạo về mới biết một cách chính xác thực trạng gia đình mình. Vợ ông đem theo đứa con gái út vượt biên. Sau nửa năm định cư tại Hoa Kỳ bà lấy một người Mỹ trước đây là bạn thân của gia đình ông. Cô con gái tốt nghiệp đại học, một buổi theo bạn bè lên thăm ngôi chùa trên núi cao nơi chốn rừng sâu cô bỗng quyết định ở lại xuống tóc đi tu, mặc cho bạn bè hết lời can ngăn. Cô cũng không chịu nói cho mọi người biết nguyên do. Còn mấy đứa con ở lại nước thì lấy cán bộ, lấy cựu sĩ quan cộng hòa tù về và được đi theo chương trình HO định cư tại Mỹ. Thế là gia đình ông nhà báo già bỗng nhiên trở thành một điển hình cho cái mà người ta vẫn mệnh danh là "hòa giải hòa hợp dân tộc"! Có cộng, có quốc và có cả "đế quốc Mỹ" nữa! Một "đại gia đình" tự hợp chẳng cần phải bỏ công sức, xương máu tranh đấu bao năm trời mà "thiên hạ" vẫn chưa đạt được. Chỉ có riêng ông là bơ vơ và cô đơn. Nước mất ông đi tù, tất nhiên mình ông gánh chịu. Ra tù ông mất tất cả vợ con, bạn bè, thân quyến. Ông không oán giận đời. Ông chỉ buồn cho số phận mình. Tới ngày trí cùn lực kiệt, mỏi gối chồn chân lại sa vào cảnh vô gia đình vô tổ quốc. Ông bị đối phương bắt tù với tội danh vu vơ "văn nghệ sĩ báo chí phản động". Ông được tha tù với lý do cũng vu vơ "cải tạo tốt". Họ có "cải" được gì và cũng chẳng "tạo" được gì có thể gọi là tốt cho ông đâu! Ông vẫn là ông trước sau có gì thay đổi.Thời cộng hòa ông viết những bài báo kết án nặng nề những kẻ cầm quyền tệ hại đầy lòng tham, chỉ biết địa vị hối lộ tham nhũng. Yêu tiền bạc hơn yêu nước thương dân. Ông bị kết án cộng sản nằm vùng phá hoại, bị bắt tù đôi ba lần nhưng không lần nào quá một năm. Khi cộng sản xâm chiếm miền Nam, ông lại bị bắt tù về tội "văn nghệ sĩ báo chí phản động, tay sai Mỹ ngụy", chống cộng trên "thượng từng kiến trúc". Thế là thời nào ông cũng là kẻ có tội. Người ta đã nhân danh tổ quốc, nhân danh dân tộc, nhân danh chính nghĩa bắt bỏ tù ông. Bây giờ tù về ông mất tất cả, kể cả sự sống mà ông đang đứng trên mặt đất hít thở khí trời đây. Ông không buồn cũng không vui, không khổ không hận. Sau nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy ngẫm sự đời nơi căn lều nát sau nhà của một người bạn cũ, ông nhà báo già đi đến quyết định mà trước đây khi còn trong trại tù ông chưa bao giờ nghĩ đến! Đó là để tiêu hết khoảng thời gian còn lại của cái tuổi "tà tà bóng ngả về tây", ông quyết làm một chuyến "giang hồ không bờ không bến" trên mảnh đất quê hương này cho tới ngày nào đó gục ngã tại một nơi hoang vu không người qua lại. Một nơi không lấm láp vướng mắc chút bụi trần. Một nơi không có vết tích của sự đời hỉ nộ ái ố. Thân xác ông sẽ hội nhập cùng cỏ cây hoa lá, cùng khí trời thanh khiết tinh khôi. Và linh hồn ông thanh thoát bay bổng trên cõi xanh thẳm bao la bát ngát. Ông viết thư cho mấy người bạn thân thiết nhất và các con ông ở nước ngoài giúp cho ông hàng tháng một số tiền để sống theo ý mình. Tất nhiên mọi người sẵn sàng giúp ông, mặc dầu họ không mấy tán thành cái công việc ông đang hăm hở thực hành.
-
Lành Rách
Phi Hư Cấu Phóng Sự VH Miền Nam Trước 75
Thanh Thương Hoàng
VĨNH SƠN xuất bản 1969CHAPTERS 13 VIEWS 1744
Tôi phải hối lộ Đại Cà Rồng một chầu ăn hít linh đình gã mới chịu dẫn tôi tới cái tổ con... chuồn chuồn này. Đó là một căn nhà chẳng lấy làm gì rộng nằm sâu trong một cái ngõ vùng ngoại ô. Lúc bấy giờ là 5 giờ chiều ngày thứ bẩy. Khi tôi và Đại Cà Rồng bước vào nhà thì các chàng và các nàng thuộc loại choai choai chanh cốm tuổi từ 15 tới 17 đương mải mê ôm nhau nhẩy vung vít. Không một đứa nào thèm để ý tới sự xuất hiện của chúng tôi cả. Đại Cà Rồng không bỏ lở một phút, «bắt» luôn một em nhẩy liền.
-
Nổi Lửa
Tập Truyện VH Miền Nam Trước 75
Thanh Thương Hoàng
SÙNG CHÍNH VIỆN xuất bản 1962CHAPTERS 7 VIEWS 3998
- Lạy đại huynh ạ.
- À .. chú, ngồi xuống đây !
- Gớm, trời nóng thế này mà đại huynh vẫn đóng bộ quần áo dầy cộm, tài thật ! À, đệ vừa đọc xong bài của đại huynh viết trên tạp chí "Tin Văn" số vừa rồi nên vội tìm đến huynh ngay. Chà ! văn viết đến như thế thì hết chỗ chê. Từ kim cổ đệ chưa thấy một bài văn nào hay đến như thế ! Hì hì... chắc đại huynh phải mất nhiều ngày tháng với bài ấy lắm ! Chậc ! Phải xếp đại huynh vào hàng các nhà văn hào thế giới mới xứng.
- Hừ... cậu chỉ giỏi nịnh.
- Đâu có phải riêng ý kiến đệ mà còn nhiều người...
- Theo cậu đoạn mở đầu ấy của tôi thế nào ?
- Tuyệt ĩ
- Còn đoạn kết ?
- Nhất ! Viên ngọc toàn bích, có soi kính hiển vi cũng không tìm thấy một vết nhỏ li ti. -
Ông Tướng Tỵ Nạn
Truyện Ngắn
Thanh Thương Hoàng
VIEWS 5687
Ông Bảy giận run lên. Thế này thì chẳng còn trời đất gì nữa. Con với cái! Đúng là nó ném bùn vào mặt ông, bôi tro trát trấu vào mặt ông. Làm sao ông còn đủ can đảm để đến với đám đông nữa. Nhất là bọn nhà báo, nếu biết chuyện này họ sẽ làm ầm lên cho mà coi. Không kìm hãm được sự tức giận đang ào ào dâng, ông Bảy tiện tay cầm cái ly uống nước ném mạnh xuống sàn nhà vỡ tan. Nghe tiếng động bà Bảy trong phòng ngủ bước ra. Bà đã biết nguyên do cơn thịnh nộ của ông. Cách đây mươi phút bà đã chứng kiến trận đấu khẩu giữa chồng và cậu con trai. Bà đến bên chồng ngồi xuống cạnh ông, nhẹ nhàng nói: "Ông tức giận làm gì cho khổ vào thân. Coi chừng áp huyết lại tăng như hồi năm ngoái thì khốn đấy. May mà phúc nhà còn lớn nên ông chưa đến nỗi phải nằm liệt một chỗ". Nghe bà nói đến áp huyết ông chột dạ. Đúng, hồi năm ngoái chỉ vì một chuyện tức khí vớ vẩn ông nổi nóng tim đập mạnh, rối loạn hô hấp phải đi bệnh viện cấp cứu. Thế là ông Bảy vội xua đuổi cái sự tức giận ngay. Ông nhớ tới một lần đi thăm ông bạn cựu Tổng trưởng bị tai biến mạch máu não toàn thân bất toại, phải nằm liệt một chỗ. Mất cả trí nhớ, đôi mắt thất thần của ông ta cứ trô trố nhìn ông Bảy mà rõ ràng là chẳng nhìn thấy gì cả. Ăn uống và tất cả công việc vệ sinh cá nhân đều phải trông cậy vào sự giúp đỡ của y công. Ông Bảy nghĩ thà rằng chết quách còn hơn trong cảnh sống dở chết dở như thế này.
-
Phật Giáo Tranh Đấu
Phi Hư Cấu Sử Địa VH Miền Nam Trước 75
Quốc Oai
TÂN SANH xuất bản 1963CHAPTERS 8 VIEWS 3070
Một sự kiện hiển nhiên không ai có thể chối cãi được là tám mưoi phần trăm dân chúng Việt Nam theo Phật giáo. Từ lúc mới lập quốc, hơn bất cứ đạo giáo nào khắc. Phật giáo đã xuất hiện ở nước ta. Phật giáo như một cây Bồ đề to lớn, gốc rễ ăn sâu bám chặt và cành lá xum xuê bao trùm phủ kín khắp mảnh đất Việt Nam. Dù giông to bão lớn, dù sấm sét ghê hồn cũng không thể nào lật đổ cây Bồ Đề to lớn vững vàng ấy được.
Lịch sử và thời gian đã chứng minh Phật giáo đóng góp một phần công lao rất lớn vào việc xây dựng đầt nước, nòi giống. Biết bao vị chần tu từ xưa lới nay đã làm rạng danh đất nước. Dân chúng yêu kính và tôn sùng như những bậc Thánh. -
Thanh Thương Hoàng Nhà báo nhà văn Thanh Thương Hoàng sinh năm 1930 tại Miền Bắc Việt Nam, làm báo và viết văn từ trước hiệp định Genève.
Trước 1975, ông nhiều lần được bầu làm Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam.
Sau 1975, đi tù tập trung như những người cầm bút Miền Nam khác. Năm 1999 được bảo lãnh qua Hoa Kỳ nhờ sự vận động của cựu Thượng Nghị Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Khúc Minh Thơ.
Hiện ông cư trú tại San José, California và vẫn tiếp tục viết báo, viết văn.TÁC PHẨM: Cánh Hoa Mùa Loạn (Truyện dài, 1955)
Kiếp Phong Sương (Truyện dài, 1956)
Nổi Lửa (Tập truyện, 1960)
Kho Tàng Tô Ðịnh (Truyện dài, 1962)
Phật Giáo Tranh Ðấu (Bút hiệu Quốc Oai, sưu tầm biên khảo 1963)
Lành Rách (Phóng sự tiểu thuyết, 1965)
Khoảnh Khắc Và Thiên Thu (Tập truyện, 1994)
Tiến sĩ Lê Mai (Tiểu thuyết, 1999)
Người Mỹ cô đơn (Tiểu thuyết, 2000)
A Lonely American (Bản dịch cuốn tiểu thuyết NMCÐ, 2004)
Những nỗi đau đời (Tập truyện, 2001)
Ông tướng tỵ nạn (Tập truyện, 2005)
Dòng suối (Tập truyện, 2009)
Cõi đời, Cõi người (Tập truyện, 2011)